Tôi có một thói quen. Nếu không tháp tùng sếp đi tiếp đối tác, thì trưa nào cũng chọn quán cơm bụi ngay góc đường để tìm cái bỏ bụng. Quán nhỏ, đúng nghĩa cơm bình dân. Họ tận dụng căn trọ đầu hồi của cả dãy để mở kinh doanh.
Xe cơm là loại cũ. Bả mua lại ở hàng đồng nát. Mang về xịt xịt rửa xà bông lau chùi, vậy là có ngay một chiếc xe mới.
Món ăn không có gì quá đặc sắc. Nguyên xe cơm bự chà bá lửa chỉ cố định sáu món mặn, đồ xào (dưa leo, giá) đảo đi đảo lại sáu ngày trong tuần. Mặn ngọt… cũng tùy bữa và tùy vào tâm trạng của người nấu.
Nhưng điểm níu chân tôi lại là ở mặt khác!
Quán khá đông tầng lớp thực khách ghé ăn, nhưng tụ lại đa số là người bình dân.
Cánh xe ôm công nghệ là sặc sỡ nhất. Grap màu xanh lá, Bee màu vàng, GoViet màu đỏ, Beamin màu xanh dương.
Người bán vé số thì: Vietlot 150 tỷ, Vé số truyền thống thì hơn tỷ mấy.
Gần đây còn xuất hiện mấy anh Kỹ Sư người Hàn Quốc thi công tuyến Metro trưa trưa cũng lượn lờ vào ăn. Mới đầu mấy chả cũng chê ỏng chê ẹo, ngồi máy lạnh, cơm văn phòng mới ăn được. Nhưng dần về sau chắc “thấm đòn” nên cũng dạt ra đây để ăn.
Tôi cũng là công nhân bình thường, ngày tám tiếng “mài đít” ở công sở. Nên chọn nơi này làm bãi đáp cho mình. Cái cuốn hút và gây nhiều “thương nhớ” ở quán cơm bình dân này chính là cái đời thường của nó. Ngồi nhơi nhơi muỗng cơm chừng mươi phút ta có thể thu vào tầm mắt đủ “thượng vàng hạ cám”.
Thằng nhóc tan học ca sáng, mẹ chở về ngang, nhảy xuống mua cơm về ăn trưa. Công nhân tan ca, giữa buổi cũng chọn ăn ở quán này.
Bà chủ bán cơm này cũng là một điểm nhấn nổi bật. Mập mạp phốp pháp, tôi độ chừng phải trên 90 kí lô. Giọng nói sang sảng, cường độ âm thanh phát ra kinh khủng đến độ “nói cũng như chửi” không có gì quá khác nhau!
Bình thường chưa đến 11h30 (cao điểm đông khách) thì bả còn “le te” mang cơm ra cho mình. Nhưng tới đúng giờ… beng cái… công nhân mà nó túa ra thì ai cũng như ai! Sắp hàng tuần tự, tay cầm dĩa cơm trắng chờ đến lượt mình được múc đồ ăn.
Tôi hay chú ý đến một người bạn nhỏ bán vé số quẩn quanh ở đó, trưa nào cũng bắt gặp. Nó cứ loanh quanh lẩn quẩn. Chờ người ta ăn xong mới tiến đến mời mua. Có bận tôi mua ủng hộ khá nhiều, tiền bạc xong xuôi tôi mới lấy cớ hỏi thăm :
– Thằng em. Sao anh chỉ thấy em mời khách lúc họ ăn xong? Không như mấy bà kia, toàn lăng xa lăng xăng giành bán trước
– Dạ! Rồi… đàn anh thấy mấy bả có thường bán được không???
– Ờ. Không được…!
Nó giảng giải cho tôi nhiều “đạo nghĩa” xung quanh công việc tưởng chừng hết sức giản đơn.
* Thứ 1, Không mời khách khi người ta chưa ăn. Vì lúc đó hầu như ai cũng đang đói và quạu, và họ sẽ ngại cầm tiền ra tay vì sẽ bị dơ tay.
* Thứ 2, Đang ăn không mời. Vì đang nhai mà chìa vào mặt, giống như “chặn ngang họng” làm sao người ta nuốt cơm được. Vô duyên hết sức là ở trường hợp này!
* Thứ 3, Khách ăn xong là mời tốt nhứt. Nhưng phải chờ người ta lau miệng, xỉa răng, xong thì hãy vô mời. Vì lúc đó no bụng, tinh thần sẽ khoái khoái hơn, dễ dàng móc hầu bao ra nhứt.
Tui ngồi đờ đẫn cả người như cậu học trò say sưa nghe giáo sư giảng. Tui hỏi vặn:
– Học ở đâu được những thứ này… cưng học lớp mấy rồi?
– Dạ… em thèm đi học lắm… nhưng còn mắc đi kiếm ăn nên thôi. Em đi bán nhiều, gặp nhiều hạng người nên tự rút ra kinh nghiệm ạ.
– Dữ bây….! Hahaha
– Dữ… thì mua ủng hộ em đi đàn anh.
Tự nhiên tôi thấy vui vẻ khi móc hầu bao ra để mua thêm một ít vé số nữa. Dù biết là khó lòng mà trúng được nhưng vẫn vui vì “bài học” sâu sắc như thế. Thằng nhóc này quả là nghệ sỹ đầy lịch lãm trong cuộc đời trần trụi.
Trưa nay cũng vậy.
Đang ngồi nhai rạo rạo muỗng cơm trong họng, mắt tôi vẫn ngó dáo dác tìm nó. À! Nó cũng đang bưng dĩa cơm ngồi ngay gốc cây. Đang ăn và nhìn tôi cười ranh mãnh. Được một lúc khá lâu, khi tôi đang ngồi nhấp ly trà đá (nhiều đá hơn trà) thì nghe tiếng chửi đong đỏng của bà chủ quán. Tiếp sau đó là thằng bạn bán vé số của tôi… đang tháo chạy ra ngoài. Bà ta la oang oang cả một góc đường :
– Trời ơi. Trời ơi! Thằng kia. Thằng nhóc vé số kia… mày đứng lại cho taoooo.
Nguyên một “tảng thịt” mấy chục kí hộc tốc di chuyển, làm ai cũng phải ngưng ngang để chú ý đến.
Người bạn vé số nhỏ tháo chạy ra ngoài rồi vướng chân vào cái ghế nhựa nên ngã nhào.
Tự dưng “máu gà” trong người tôi bừng bừng trổi dậy. Đứng thẳng lên, tôi che cho anh bạn nhỏ:
– Nè… chị Thanh (tên bà chủ quán). Chuyện đâu còn có đó. Nó đói quá… mới vào ăn cơm của chị, không có tiền thì tôi trả… làm gì chị rượt thằng nhỏ té dữ vậy?
Vài anh xe ôm gần đó cũng bất bình xông ra phụ tôi.
– Phải… phải rồi… bao nhiêu tiền mà dữ vậy!
Ai cũng hướng mũi dùi chỉa thẳng vào bà bán cơm, bênh vực cậu bé vé số đen đủi.
Bằng một thái độ rất hục hặc Bà ta cất tiếng:
– ĐM… ĐMM… thằng kia… sao mày làm thế riết vậy… tao đã nói bao nhiêu lần rồi. Mày như thế nào… nói tao nghe!
Cậu bé sợ sệt, nhìn quanh khắp lượt. Rồi từ từ nói nhỏ khiến ai cũng “ngỡ ngàng”:
– Dạ… dạ… dĩa cơm 22.000đ… cô Thanh bán con có 5.000đ… con ăn xong mấy hôm liền… con mắc cỡ quá… nên con nhét 2 tờ vé số lại dưới dĩa cơm… cô không cho làm vậy nên dí theo bắt cầm lại ạ.
Ai cũng chưng hửng sau lời nói đó.
Bà Thanh lại cất giọng sang sảng:
– ĐM… mày khổ mày mới lăn ra vỉa hè để kiếm sống… tao cũng khổ… mà khổ ít hơn mày một chút… tao chia sẻ một chút hơi ấm với mày… mày đừng phụ lòng tao nữa… nghen!
Bả vừa dứt câu nói. Tôi đã đếm được ít nhứt là năm người đàn ông quanh đó… nghẹn ngào nước mắt! Cái cảm giác cảm nhận được sự ấm áp giữa người với người – nó bình dị và thiêng liêng vô cùng….
Xong chuyện đám đông giải tán. Tôi mua thêm cho nó hộp cơm nữa. Thịt kho hột vịt. Nó năn nỉ chị Thanh lấy kéo cắt đôi cái hột vịt ra làm đôi. Tôi không hiểu để làm gì. Xong xuôi nó khoanh tay trước ngực, cúi chào tôi và chị thiệt lễ phép.
Đang loay hoay móc tiền ra, chị Thanh hất hàm cho tôi thấy.
Theo cái hất hàm của chị tôi nhìn qua bên kia đường. Dưới chân cây cột điện nắng đổ chói chang. Có một ông lão mù đang ngồi run run với sấp vé số dày cộm. Nó nhẹ nhàng tháo cái nón vải mình đang đội, đội sang cho ông. Rồi tay mở hộp cơm, cầm cái muỗng xúc từng ít cơm một kê sát vào miệng đút ông ăn.
Chị Thanh nhìn tôi lắc đầu ngao ngán
“Đó… thằng em mày thấy hôn… nhìn đi… nhiều khi mình còn thua cả đứa con nít”.
Tôi quay lưng đi. Không biết nói gì nữa. Cuống họng tôi nó cứ dâng lên nghèn nghẹn. Hai con mắt tôi mở căng hết cỡ vì biết khi nhắm lại thì dù vô tình hay cố ý thì… nước mắt tôi sẽ lăn ra.
Ôi! Khổ đau của một phận con người. Biết bao nhiêu là đủ. Và có những chuyện chính mắt thấy tai nghe, mà chưa tìm hiểu ngọn nguồn thì đừng vội… võ đoán…!
Sài Gòn, Những cuộc mưu sinh.
– BÙI QUANG MINH