Chiếc ví – Câu chuyện ý nghĩa về một tình yêu đẹp

CHIẾC VÍ

Tôi nhặt được một chiếc ví ở hè phố. Khi tôi mở ví với hy vọng tìm được manh mối nào đó về người làm rơi thì chỉ thấy 3 đôla và một bức thư nhàu nát. Phong bì đựng thư đã rách và thứ duy nhất còn đọc được là địa chỉ người gửi. Lá thư được viết năm 1944, tức là đã 60 năm về trước.

Bức thư được viết bằng nét chữ con gái, bắt đầu bằng:”Anh Michael thân yêu”. Đọc thư tôi biết cô gái rất đau khổ vì mẹ cô không cho cô gặp Michael nữa, nhưng cô vẫn rất yêu anh. Cô gái ký tên là Hannah.

Tôi gọi tổng đài thử tìm số điện thoại của địa chỉ trên bì thư. Cô tổng đài bảo tôi đọc địa chỉ, rồi nói:

– Có một số điện thoại ở địa chỉ đó, tôi sẽ gọi giúp anh xem họ có muốn liên lạc với anh không.

Tôi hồi hộp chờ cô nối máy. Một người phụ nữ trả lời máy. Tôi hỏi bà có biết ai tên Hannah không.

– Ôi – người phụ nữ ngạc nhiên – Chúng tôi mua lại ngôi nhà này của một gia đình, họ có con gái tên là Hannah… Nhưng đã 30 năm rồi…

– Chị có biết họ chuyển đi đâu không? – Tôi vội hỏi.

– Tôi chỉ nhớ là sau đó vài năm, cô Hannah phải đưa mẹ vào viện dưỡng lão…

Và người phụ nữ cho tôi tên viện dưỡng lão. Khi tôi gọi điện, một cô y tá nói rằng bà cụ đã mất, nhưng cô lại cho tôi số điện thoại của con gái bà cụ – Hannah.

Một lần nữa, tôi gọi điện. Nghe điện là một phụ nữ, cô ấy nói rằng bà Hannah đã vào viện dưỡng lão rồi.

“Thật ngớ ngẩn” – Tôi nghĩ – “Tại sao mình lại phải mất thời gian tìm chủ nhân cho một cái ví chỉ có 3 đôla và lá thư viết cách đây 60 năm cơ chứ?”

Nhưng cuối cùng tôi vẫn gọi điện đến viện dưỡng lão, và đàn ông nghe điện nói: “Đúng là ở đây có một bà cụ tên Hannah”.

Lúc đó là 7h tối. Tôi hỏi liệu tôi có thể đến gặp bà cụ được không.

– Cũng được. Có lẽ bà cụ đang ngồi ở phòng xem TV .

Tôi lập tức lái xe đến viện dưỡng lão và bắt đầu thấy tò mò. Một y sỹ dẫn tôi lên tầng 3 gặp bà Hannah. Đó là một bà cụ tóc bạc trắng và nụ cười hiền hậu.

Tôi kể cho bà cụ nghe về chiếc ví và đưa bức thư ra. Ngay khi nhìn thấy bức thư, bà lặng đi, rồi thở dài:

– Con trai, lá thư này là lần cuối cùng tôi liên hệ với Michael.

Bà cụ cắn môi, đôi mắt đỏ lên:

– Chúng tôi đã rất yêu thương nhau. Nhưng lúc đó tôi còn quá trẻ và mẹ tôi cấm tuyệt đối. Michael Goldstein là một người tuyệt vời. Tôi vẫn thường nhớ tới ông ấy. Tôi đã không kết hôn. Vì không ai làm cho tôi quên được Michael…

Tôi tạm biệt bà Hannah. Khi tôi ra đến cổng, người bảo vệ hỏi:

– Đó có đúng là bà cụ mà cậu cần tìm không?

– Đúng, bây giờ tôi biết được cả họ tên của chủ nhân chiếc ví rồi! Tôi vừa nói vừa lấy cái ví cho người bảo vệ xem. Vừa nhìn thấy nó, người bảo vệ thốt lên:

– Ôi, ví của ông Goldstein! Chỉ mỗi ông ấy còn dùng cái ví cổ lỗ sĩ này thôi! Mà lúc nào cũng làm rơi! Tôi đã nhặt được hộ ông ấy đến 3 lần rồi đấy!

– Ông Goldstein là ai? – Tôi hỏi, tay bắt đầu run lên vì hồi hộp.

– Một ông cụ sống trên tầng 8. Tôi cam đoan ông ấy lại làm rơi ví khi đi dạo.

Tôi nhanh chóng quay lại và nhờ cô y tá đưa lên tầng 8.

Trong phòng đọc sách ở tầng 8, một ông cụ đang đọc sách. Cô y tá lại gần và hỏi có phải ông lại làm rơi ví không. Ông cụ sờ vào túi và thốt lên:

– Ôi, lại rơi mất thật rồi!

Tôi đưa cái ví cho ông Goldstein. Ông cụ thở phào:

– Đúng nó rồi! Tôi phải trả ơn cậu mới được!

– Không cần đâu ạ! Nhưng cháu xin lỗi là đã đọc bức thư trong đó… Cháu chỉ định tìm xem ai rơi ví thôi.

Nụ cười của ông lập tức biến mất:

– Cậu đọc thư của tôi?

– Nhưng nhờ thế mà cháu tìm được bà Hannah – Tôi vội “lấy công chuộc tội”.

Ông cụ mở to mắt:o

– Hannah? Cậu gặp bà ở đâu? – Ông Goldstein nắm tay tôi – Tôi rất muốn gặp bà ấy. Kể từ khi không được gặp bà ấy nữa, cuộc sống của tôi như đã kết thúc vậy. Tôi thậm chí đã không kết hôn…

Tôi đưa ông Goldstein xuống tầng 3 – nơi bà Hannah ở.

Phòng xem TV chỉ còn một cái đèn nhỏ. Bà Hannah đang ngồi một mình.

– Bà Hannah – Cô y tá nhẹ nhàng – Bà có biết ông ấy không?

Bà Hannah chỉnh lại kính, nhìn ông trong vài giây, im lặng.

– Hannah, – Ông Michael thì thầm – Michael đây mà!

Cả hai người như lặng đi. Và họ nắm tay nhau.

3 tuần sau, tôi nhận được thiệp mời dự đám cưới của ông Michael và bà Hannah.

Đó là một lễ cưới rất đẹp. Viện dưỡng lão dành cho họ một căn phòng riêng. Và nếu bạn muốn thấy một cô dâu 75 tuổi, một chú rể 79 tuổi mà vẫn yêu thương và chăm sóc nhau như “teenagers”, thì bạn rất nên gặp họ .

Sưu tầm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *