Tiêu tiền
Bạn kể, cô hàng xóm nhà bạn làm nghề thu lượm ve chai, lúc nào cũng nhếch nhác nhưng cô rất nhiều tiền. Cô tằn tiện nhặt nhạnh từng xu bóp hầu bóp họng chẳng dám tiêu gì, đến bát phở cũng chả dám ăn.
Thế rồi cô phát hiện mình bị khối u to như cái thai 7 tháng, may u lành. Nằm trong bệnh viện ôm bọc tiền mà run, thấy xung quanh ai cũng như ai, chỉ ôm tiền mà khóc vì đến cửa ung thư rồi thì mọi tích cóp đều vô nghĩa.
Sau đợt đó, cô chả ky cóp nữa, chi hẳn trăm triệu làm bộ răng cười lên cho dân tình loá mắt. Ngày ngày, cô lại bê nguyên hàm răng trăm triệu đi gom rác. Tôi bảo: cái tiêu của người có của và người tưởng là có của nó khác nhau quá. Sao không dùng tiền ấy đi du lịch, chăm sóc sức khoẻ, nâng cấp đời sống mà lại đi trám hết cả vào một
tiểu tiết cốt loè thiên hạ thế?
Còn cô bán hàng châu Á gần nhà tôi thì chăm ngoan hết phần thiên hạ. Chăm đến nỗi không có thời gian đến bác sĩ, kể cả đau mắt, nhức răng, tiểu đường, mỡ máu. Hai đứa con cô đều tốt nghiệp ngành y, làm trong bệnh viện, nhưng không đứa nào bẩy được mẹ đi khám dù bác sĩ toàn là khách hàng của cô. Tôi bảo, đàn bà “tờ mờ kờ” đẻ ra nhiều thứ bệnh lắm, ngay cả mắt cũng cần đi khám định kỳ để phát hiện sớm các bệnh cao nhãn áp, cườm, đục thuỷ tinh thể… Cô chỉ than trời, em bận quá, mắt em nhức quá, cứ ăn nhiều đường là nó đỏ vằn lên, nhưng chẳng ai đứng thu ngân. Vân vân và mây mây…
Cô tâm sự hai vợ chồng cô ba chục năm nay không bao giờ đi chơi đâu được cùng nhau. Quốc gia mà cô biết duy nhất là Việt nam, nơi còn cha mẹ, và Đức. Cửa hàng cô nhỏ thôi, nhưng cực kỳ đông khách. Mấy chục năm bám nghề, hẳn tài sản vợ chồng cô không hề nhỏ, nhưng làm quần quật đến mức không dành cho mình cả thời gian khám chữa bệnh thì thật là bất nhẫn với chính bản thân.
Hôm qua đến mua rau muống, thấy mỗi ông chồng đứng buồn so. Rau dưa toé loe chả buồn nhặt. Ổng khoe, vợ đi bệnh viện rồi, chắc đột quỵ, ổng không vào thăm được vì còn phải mở cửa bán hàng. Vòng quay bất tận của những con lừa chất lên lưng bao muối mà không biết rằng chỉ cần buông xuống thôi, dù chỉ một chặng đường, cuộc đời sẽ khác.
Tôi chả biết nói gì. Mà sao thấy buồn như mất mát một cái gì.
Người Việt mình ở đâu cũng làm nhiều quá. Kiếm tiền rất giỏi mà tiêu tiền thì chẳng giỏi chút nào. Biết kiếm tiền có lẽ là do thói quen bẩm sinh, còn dùng đồng tiền ấy phục vụ cho mình thì phải cần một trình văn hoá nhất định mới thật là biết cách.
Là tiêu cho mình, chứ không phải để dành cho những kẻ thừa kế. Mà những kẻ ấy, nhất là những đứa trẻ lớn lên ở nước ngoài, có cần đến tiền của cha mẹ đâu?
Sưu tầm